Cấu trúc Nhà_Trắng

Sơ thảo hình dáng, bố trí Nhà Trắng

Chỉ có ít người có thể nhận ra Nhà Trắng rộng đến mức nào, bởi vì phần lớn cấu trúc của nó ẩn dưới mặt đất và vì nó trông nhỏ bé hơn kích thước thật khi so sánh với khung cảnh chung quanh. Bên trong Nhà Trắng có:

  • 6 tầng với diện tích sàn tổng cộng là 5.100 m² (55.000 ft²)
  • 132 phòng và 35 phòng tắm
  • 412 cửa ra vào
  • 147 cửa sổ
  • 28 lò sưởi
  • 8 cầu thang
  • 3 thang máy
  • 5 đầu bếp làm việc trọn thời gian
  • 5.000 khách viếng thăm mỗi ngày
  • 1 sân quần vợt
  • 1 đường băng bowling
  • 1 rạp chiếu phim
  • 1 đường chạy
  • 1 hồ bơi

Nhà Trắng là một trong những toà nhà chính phủ ở Washington D.C. có thiết kế đường dành riêng cho xe lăn với những thay đổi thích hợp khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt, phải di chuyển trên xe lăn vì mắc bệnh bại liệt, đến sống ở đây. Trong thập niên 1990, Hillary Clinton, chấp thuận đề nghị của giám đốc văn phòng du khách Melinda N. Bates, cho thiết lập một đường dành cho xe lăn ở hành lang của Cánh Đông toà nhà. Năm 1948, Tổng thống Harry S. Truman ra một quyết định gây tranh cãi khi cho mở một ban công trên tầng hai hướng về Cổng Nam. Không lâu sau khi ban công được xây xong, người ta nhận ra rằng toà nhà có cấu trúc không cân xứng và nguy cơ bị đổ sụp là gần kề. Tổng thống và gia đình buộc phải dời sang toà nhà Blair bên kia đường trong khi tiến hành sửa chữa Nhà Trắng. Bên trong toà nhà bị tháo dỡ làm nó trông giống như một vỏ sò, những thanh rầm bằng gỗ được thay thế bằng đà bê tông cốt thép. Cũng có một số thay đổi, đặc biệt là thay đổi vị trí của cầu thang lớn để mở ra Tiền Sảnh (Entrance Hall), thay vì hướng vào Sảnh Thập tự như trước đây. Tổng thống Truman và gia đình trở về Nhà Trắng ngày 27 tháng 3 năm 1952.

Dù đã được chỉnh sửa vào cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950 để phù hợp với tổng thể toà nhà, nội thất Nhà Trắng, qua những thập kỷ không được chăm sóc đúng mức cùng với nhiều di dời và sửa đổi, ngày càng xuống cấp. Jacqueline Kennedy, phu nhân Tổng thống John F. Kennedy (1961-1963), bắt tay tái thiết nội thất nhiều căn phòng của toà nhà theo kiểu dáng đầu thế kỷ XIX, sử dụng những vật dụng trang trí nội thất chất lượng cao vốn từ lâu bị lãng quên trong kho ở tầng hầm. Nhiều món đồ cổ, những bức tranh quý và những hiện vật khác là quà tặng từ những nhà hảo tâm giàu có, trong đó có Jane Engelhard, Jane Wrightsman, gia đình Oppenheimer ở Nam Phi và những cá nhân nhiều tiền của khác. Kiểu cách trang trí Kennedy, rất được ngưỡng mộ, mang âm hưởng cung đình Pháp là công trình của nhà trang trí Stephane Boudin của Jansen, một công ty thiết kế tiếng tăm ở Paris chuyên trang trí cho hoàng gia của Bỉ, Iran, Nữ Công tước Windsor và ngân hàng Reichsbank của Đức Quốc xã.

Kể từ lúc ấy, mỗi khi có một gia đình tổng thống vào sinh sống, họ đều tìm cách thay đổi phần trang trí của toà nhà; những thay đổi này đôi khi nhẹ nhàng, đôi khi triệt để, có khi gây ra lắm tranh cãi. Điển hình, phu nhân và tổng thống Clinton nhờ Kaki Hockersmith, một nhà trang trí đến từ Arkansas, làm mới lại một số căn phòng của toà nhà, kết quả là sự thay đổi này đã thu hút nhiều sự chế giễu của công luận.